pacman, rainbows, and roller s
Truyện Ma - kinh dị

Ma Thổi Đèn Tập 4: Thần Cung Côn Luân

Chương 1: KẺ SƯU TẦM CÁI CHẾT

Sau khi quay về Bắc Kinh, tôi và Shirley Dương chia nhau hành động, cô nàng lo tìm kiếm thiết bị chiếu chụp, cắt lớp hộp sọ của Hiến vương; và đương nhiên công việc phân tích mười sáu miếng ngọc hoàn sẽ đổ lên đầu tôi. Việc này xem chừng đơn giản, kỳ thực lại chẳng biết bắt tay từ chỗ nào. Nội trong một hai ngày này, phía Shirley Dương chắc đã có kết quả, còn tôi cũng muốn cố gắng lắm nhưng không có hướng giải quyết nào, đành cả ngày ngồi đợi tin tức của cô ta.

Hôm ấy tôi đang ngồi trong sân hóng mát thì Răng Vàng xồng xộc lao tới tìm, vừa vào cửa thấy có mình tôi, liền hỏi Tuyền béo đâu rồi. Tôi bảo cậu ta sáng sớm nay đã ngồi đánh bóng đôi giày da, chắc đi sàn nhảy rồi. Mà sao ông anh lại rảnh rỗi ghé qua đây vào lúc giời ơi đất hỡi này, không lo việc buôn bán ở Phan Gia Viên à?

Răng Vàng nói :" Anh Nhất này, tôi đến tìm anh cũng là để bàn bạc chuyện này đấy. Sớm nay vừa mở cửa hàng, đã thấy hơn trăm thằng thiên lôi kéo tới, toàn mặc sắc phục cả, thấy thứ gì là tịch thu thứ ấy, anh em rút cả vào rừng đánh du kích rồi".

Tôi lấy làm lạ hỏi :" Sao lại thế được nhỉ? Chẳng phải các ông đi hết cửa trên, cửa dưới rồi sao?"

Răng Vàng nói :" Thôi bỏ qua đi, bận này bọn Tây đến lựa đồ ngày một nhiều, anh cũng biết đấy, những thứ anh em mình bày ra ở chợ, được mấy món là hàng thật đâu? Nghe nói có một người bạn quốc tế nào đó gọi là có chút ảnh hưởng, bị một người anh em của ta cho cắn câu. Đưa cho người ta cái lọ vỡ, lại nói là lọ muối dưa ngự dụng của vua Càn Long, người ta sau khi mang về thì đem đi giám định, mới hay không phải như thế, vô hình trung làm tổn thương nghiêm trọng đến tình cảm tốt đẹp mà người bạn quốc tế nổi tiếng ấy đã dành cho ta, thành thử sự việc rùm beng lên, cho nên giờ mới ...."

Tôi nói với Răng Vàng :" Anh em mình kinh doanh buổi đực buổi cái ở đó, quả thực không phải là kế lâu dài. Chi bằng tìm lấy một chỗ mở cửa hàng, đỡ phải lo thon thót cả ngày".

Răng Vàng nói :" Mở sạp ở Phan Gia Viên, chủ yếu là bởi ở đó lượng thông tin nhiều, hai bên mua bán có được một sàn giao dịch lớn. Chẳng ai trông mong có thể kiếm tiền từ những thứ bày ra ở chợ, tất cả đều nằm ở dưới bề chìm cả, sóng ngầm chảy bền bỉ mà"

Tôi lại hỏi Răng Vàng xem lão mù thế nào rồi, sao mà từ lúc quay về đến giờ chẳng thấy tăm hơi lão đâu. Răng Vàng kể lão mù hiện giờ không chỉ giỏi thường thôi đâu, lão tự xưng là chuyển thế của Trần Đoàn lão tổ 1, ra khỏi cửa là có xe Polonez đến đón, chuyên xem tướng số sờ xương cốt, chỉ rõ bến mê cái khỉ gì đó cho bọn khách Hồng Kông. Mà mẹ kiếp mấy bọn ấy cũng tin khọm thật chứ.

Tôi và Răng Vàng vừa uống trà vừa nói chuyện tào lao, thoắt cái trời đã gần trưa, đang tính xem đi đâu ăn cơm, bỗng nghe thấy tiếng gõ cửa. Tôi nghĩ bụng chắc là Shirley Dương về rồi, liền ra mở cửa, thấy ra lại là một người lạ hoắc. Người này mặt mày nhẵn nhụi bảnh bao, giọng điệu hết sức khách sáo, tự xưng là A Đông, nói muốn tìm Vương Khải Tuyền tiên sinh.

Tôi bảo anh tìm Tuyền béo đấy phỏng? Không có nhà đâu, tối hẵng đến nhé. Nói đoạn định đóng cửa, A Đông lại nói cho gặp Hồ Bát Nhất tiên sinh cũng được, tôi không rõ thằng cha này đến vì việc gì, thoạt tiên cứ mời hắn ta vào nhà cái đã.

A Đông nói hắn ta được ông chủ ủy thác, đến mời chúng tôi qua đó bàn việc buôn bán đồ cổ. Tôi dạo này không mấy hứng thú làm ăn, nhưng Răng Vàng vừa thấy có khách tìm đến tận nhà, liền dỗ ngon dỗ ngọt để tôi tới đó nói chuyện một chuyến. Tôi nom thấy Răng Vàng vừa vặn mang mấy món đồ theo người, dù gì cũng đang rảnh rỗi, liền đồng ý đi cùng A Đông đến gặp ông chủ của hắn xem sao.

A Đông lái xe chở tôi và Răng Vàng đi. Tôi nghĩ bụng, ông chủ của cái thằng tên là A Đông này sao lại biết được địa chỉ nhà của chúng tôi? Thế nhưng vặn hỏi A Đông mấy câu đại loại như ông chủ của cậu là ai thì hắn nhất loạt không trả lời. Tôi nghĩ bụng, mẹ kiếp, chắc chắn là thằng Tuyền béo ra ngoài rêu rao rồi, song đi nói chuyện một chuyến thôi thì cũng chẳng sao, không chừng có khi còn kiếm được một khoản cũng nên.

A Đông chở chúng tôi đến trước một khu tứ hợp viện yên ả tĩnh mịch. Tôi và Răng Vàng thoạt thấy ngôi nhà, bất giác nảy sinh lòng ngưỡng mộ. Chủ nhà này quả thực hết sức cầu kỳ, bước vào trong phòng, thấy trên kệ gỗ đàn bày la liệt những món đồ cổ đậm đà hương sắc. Tôi và Răng Vàng cũng coi như là những kẻ có con mắt nhìn hàng, một vòng, liền biết chủ nhân nơi đây không phải là kẻ tầm thường, những thứ bày biện trong phòng toàn là hàng thật.

A Đông mời chúng tôi ngồi xuống để hắn ta vào trong mời ông chủ ra. Tôi thấy A Đông vừa đi khỏi, liền nói với Răng Vàng :" Anh Răng Vàng này, anh nhìn thấy chưa? Bình xuân ấm ngọc vẽ cánh trĩ hoa phù dung kiểu Pháp Lang, âm tử sa vuông thiếp vàng, chén thái đấu cao sĩ, toàn báu vật cả dấy, lấy bừa một món đem ra Phan Gia Viên, đều có thể gây một phen chấn động. So với những món trong căn phòng này, mấy thứ anh em ta mang đến, thực chẳng có mặt mũi nào lôi ra cả".

Răng Vàng gật đầu nói :" Đúng đấy, vị chủ nhà này, xem khí thế chừng không phải người thường, sao lại muốn bàn chuyện làm ăn với anh em mình nhỉ? Mấy thứ vặt vãnh của mình người ta chắc chắn không để mắt đến đâu".

Tôi đột nhiên phát hiện ra trong phòng có một món đồ vô cùng đặc biệt, vội nói với Răng Vàng :" Cái món đồ sứ đặt ở giữa ấy, ông anh xem xem có phải có vấn đề gì không?"

Răng Vàng đứng dây, tiến lại gần món đồ sứ xem xét. Đó là một con mèo sứ to béo, đôi mắt mở tròn xoe, ánh mắt long lanh rất có thần, song xem ra không phải hàng sản xuất từ lò gốm sứ nào nổi tiếng, kỹ thuật chết tác cũng bình thường, dường như không phù hợp với phong cách của căn phòng này lắm. Điểm bắt mắt nhất ở con mèo sứ này là mớ ria của nó, chẳng biết vì sao, con mèo có cả thảy mười ba sợi ria, lại còn có thể rút ra cắm vào tùy ý, phần chế tác tinh xảo nhất đều tập trung ở đây. Răng Vàng bỗng nhiên nghĩ ra điều gì đó, quay lại bảo tôi :" Đây là loại mèo sứ hoa mười ba ria, là thứ được thờ cúng trong nhà kẽ cõng xác".

Ở những vùng núi như mạn Tương Tây, từ xa xưa đã có hai nghề đuổi xác và cõng xác. Trong đó "cõng xác" là nghề gần giống như nghề trộm mộ, trong nhà người cõng xác đều thờ một con mèo sứ như thế này. Trước mỗi lần hành sự, phải thắp một nén hương, rập đầu lạy con mèo sứ ấy mấy lạy, nếu trong lúc đó, ria mèo rơi xuống hoặc đứt gãy, đêm ấy tuyệt đối không được ra khỏi nhà, đó là điềm báo sẽ xảy ra tai nạn. Nghe nói lần nào cũng linh nghiệm, qua lời đồn đãi của dân gian, lại càng thần kỳ khôn tả. Giờ đây nghề cõng xác từ lâu đã chẳng còn ai làm nữa, bọn tôi cũng chỉ từng thấy thứ này một lần ở chợ đồ cổ Phan Gia Viên mà thôi.

Quanh vùng Bắc Kinh, Thiên Tân từ thời Minh Thanh trở về sau, trong đám đào tường khoét ngạch cũng có kẻ thờ mèo sứ. Trong nhà những tên trộm ấy đều có loại mèo này cả, chỉ có điều đó là loại mèo chín ria, kiểu dáng cũng khác. Loại mười ba ria chỉ có ở trong nhà của những kẻ hành nghề cõng xác vùng Tương Tây, tập tục này nguồn gốc từ đâu, đến nay đã chẳng thể nào khảo chứng được.

Tôi vừa thấy con " mười ba ria" này, lập tức nghĩ :" Tổ tiên của chủ nhân căn nhà này hẳn phải là một tay trộm tầm cỡ ở Tương Tây, chuyên nghề cõng xác chui khỏi mả, bằng không thì sao lại có cơ ngơi oách thế này được". Bấy giờ từ trong vẳng lại tiếng bước chân, tôi vội đánh mắt với Răng Vàng, cứ coi như chưa nhìn thấy gì cả, lẳng lặng ngồi chờ xem sao.

Tay chù mời chúng tôi đến bàn chuyện làm ăn là người Hồng Kông, hơn năm mươi tuổi, vừa lùn vừa béo, tự xưng là Minh Thúc, thoạt thấy tôi liền giở giọng đon đả bắt thân, bảo rằng xưa kia đã từng làm ăn với tôi rồi.

Tôi vắt óc nghĩ mà không sao nhớ nổi trước đây đã từng buôn bán gì với lão ta, sau cùng vẫn phải để Minh Thúc nói ra, tôi mới vỡ lẽ, thì ra vụ làm ăn đầu tiên của tôi và Tuyền béo, miếng ngọc bích Nga thân li văn, là làm với một thiếu phụ họ Hàn mở hàng đồ cổ ở Thiên Tân, chị ta chính là tình nhân được lão này bao.

Tôi không hiểu tại sao lão ta lại tìm đến tôi, không chừng ở đây có vấn đề gì đó, thôi thì cứ ít gây phiền phức là hơn, bèn định bụng mau chóng cho lão ta xem hết mấy món Răng Vàng đem tới, rồi rút nhanh mỗi người mỗi ngả. Thành thử tôi nói luôn với lão :" Minh Thúc lão gia à, không biết vì sao bác lại coi trọng anh em chúng tôi mà chẳng ngại xa xôi cho người tới đón chúng tôi về đây như thế. Hiềm nỗi, chúng tôi gần đây cũng chẳng có hàng họ gì ra hồn cả, đành vớ bừa mấy món này, nếu bác thấy ưng mắt, thì bác cứ giữ lại mà chơi". Nói đoạn liền bảo Răng Vàng đem mấy món đồ ra cho lão đáo mắt qua.

Răng Vàng thấy đối phương chừng là một tay phú ông đất Cảng thơm, biết có cơ hội chặt chém, lập tức đon đả mời chào, lấy trong túi ra một chiếc bình sứ, cẩn thận bưng bằng cả hai tay :" Mời bác xem qua, đây là hàng xịn xuất từ lò gốm sứ Long Tuyền thời Bắc Tống đấy!"

Minh Thúc vừa nghe thấy vậy, liền sửng sốt kêu lên :" Giời ơi, có lẫn không thế, hàng quốc bảo như vậy mà cậu tùy tiện đem đựng vào trong cái túi này à?"

Răng Vàng biết càng đứng trước mặt những tay nhà nghề sành sỏi, càng phải nói khoác, song cần phải nói y như thật, anh bịp được người ta rồi, người ta sẽ tin lời anh, và bắt đầu nghi ngờ con mắt của mình. Hắn lại nói với Minh Thúc :" Bác không biết đấy thôi! Bác xem tôi giồng cái răng vàng này này, tổ thượng nhà tôi là Tứ lang chủ Kim Ngột Truật của nước Đại Kim, tôi là cháu đích tôn chính tông đời thứ 18 của người đấy nhá. Đây đều là những thứ tổ tông nhà tôi thu được từ tay hoàng đế Đạo Quân nhà Bắc Tống, đem nhét dưới đáy hòm trong nhà ở Hắc Long Giang bao nhiêu năm, giờ tôi lôi cả ra đây..."

Minh Thúc không hề mắc bẫy. Lão bỏ ngoài tai những lời của Răng Vàng, nói riêng với tôi :" Chú Nhất này! Các chú có món hàng nào xịn thật không? Nếu chú không thiếu tiền, anh có thể đem hàng của anh đổi với chú mà, những món đồ cổ trong nhà này, chú thấy thích cái nào, chú cứ lấy là được".

Tôi nghĩ bụng lời nói của lão này rõ ràng có nhiều ẩn ý, mời chúng tôi đến thế này hẳn là có ý đồ. Song những món chúng tôi đem về từ Vân Nam đều phải dùng đến cả, dẫu có cho tôi một núi vàng, tôi cũng không thể bán ra được. Nếu đã thế này thì chẳng hà cớ gì phải úp úp mở mở, cứ nói thẳng ra cho dễ hiểu, nghĩ đoạn tôi bèn nói luôn với Minh Thúc rằng, món hàng tốt nhất của chúng tôi chính là món sứ ở lò gốm Long Tuyền này, tuy là hàng làm phỏng theo, nhưng trông vẫn bắt mắt, bằng lòng lấy thì lấy, không lấy thì chúng tôi đem về, đến lúc đó đừng hối hận, chúng tôi mặc kệ đấy.

Minh Thúc cười khì, nhấc một cuốn album đặt trên kỷ trà lên, mời tôi xem thử những món lão ta sưu tầm ở Hồng Kông. Tôi lật mấy trang ra xem, càng xem càng lấy làm lạ, song trong bụng đã hiểu, thì ra lão béo đến từ Hồng Kông này muốn mua một chiếc gương đồng có thể trấn yểm thây ma. Chắc chắn là thằng Tuyền béo lại lỡ miệng nói ra, rồi thông tin này chẳng rõ vì sao lại lọt vào tai của Minh Thúc, lão ta cho rằng tấm gương đồng đó còn trong tay chúng tôi, mà không hay biết rằng kỳ thực tôi cầm nó còn chưa nóng tay thì đã để mất rồi.


Tôi hỏi Minh Thúc :" Bác sưu tập bấy nhiêu xác khô để làm gì?"

--------------------------------
1 Trần Đoàn lão tổ, tức Hi Di lão tổ, sống vào đời Bắc Tống, Trung Quốc, là người đầu tiên tổng hợp, hệ thống lại môn Tử vi đẩu số.
Chương 2: BĂNG XUYÊN THỦY TINH THI 1

Cuốn album Minh Thúc đưa tôi xem, bên trong toàn ảnh các loại quan tài, nắp quan tài nhất loạt mở ra, để lộ những bộ xác khô ở bên trong, niên đại và phong cách đều khác nhau. Có kiểu một quan tài một xác chết; cũng có kiểu hai xác chết nằm nghiêng áp mặt nhau, đó là một đôi vợ chồng đặt trong cùng một cỗ quan tài; lại có kiểu hơn mười bộ xác khô tập trung trong cùng một chiếc quan tài lớn. Bên ngoài mỗi quan tài đều đặt lồng một chiếc tủ trong suốt ngăn cách không khí. Nói là bộ sưu tập cá nhân, nhưng trông giống như những đồ vật được trưng bày trong viện bảo tàng hơn.

Tôi hỏi Minh Thúc xem những cái xác khô này dùng để làm gì? Người sưu tập đồ cổ thì nhiều, nhưng chẳng ngờ thứ "đầu cổ" này cũng có người cần nữa. Trước tôi cũng nghe nói xác khô ở Tân Cương bán rất được giá, nhưng sưu tầm cất giữ nhiều thế này thì đây là lần đầu tiên tôi được thấy, quả thực là được mở mang tầm nhìn.

Minh Thúc nói rằng ở nước ngoài có rất nhiều bảo tàng chuyên mua những xác cổ còn nguyên vẹn. Những thây xác này là một loại văn vật kết tinh vẻ đẹp vĩnh hằng của cái chết, giá trị thương mại và giá trị văn hóa đều cực kỳ to lớn.

Lão nói với tôi rằng, chú Nhất đã xem bộ sưu tập của anh rồi, vậy còn chiếc gương cổ trấn yểm thây ma mà chú đem từ Vân Nam về ấy, chú cho anh ngó qua một chút được không? Tùy chú cho cái giá, hoặc không chú thấy vừa mắt món đồn nào ở đây, anh đem đổi cho chú cũng được.

Tôi thầm nghĩ, lão này là người biết nhìn hàng, có khi lão biết lai lịch của chiếc gương cổ ấy cũng không chừng, chi bằng cứ vòng vo tam quốc, thoạt không nói cho lão biết việc chiếc gương đã bị mất, mà hỏi lão xem lai lịch của chiếc gương ấy như thế nào?

Minh Thúc cười cười nói :" Chú Nhất lại còn vặn vẹo anh vậy ư, chiếc gương ấy không có tác dụng gì với các chú, nhưng với anh thì rất hữu dụng, vật tránh tà trên thế gian này làm gì có thứ nào hơn thế. Còn về lai lịch của nó, tuy vẫn chưa tận mắt nhìn thấy, nhưng khi anh vừa nghe mấy người bạn trong ngành đồ cổ nhắc đến nó, liền tức khắc nhớ ra ngay, chắc chắn chiếc gương ấy là cổ vật trước thời tiên Tần, không thể sai được, Tần Thủy Hoàng là người theo phái Pháp gia, điều này chắc hai chú cũng biết nhỉ?"

Tôi chỉ nhớ thời Cách mạng Văn hóa, có một giai đoạn người ta "phê phán Nho giáo, bình luận Pháp gia", hình như có nhắc đến học thuyết Pháp gia gì đó, nhưng cụ thể ra sao thì tôi chịu, đành ậm ậm ừ ừ gật đầu vờ hiểu. Răng Vàng ngồi bên xen miệng vào bảo :" Cái đó anh em tôi đều biết cả, thời 'Bách gia tranh minh' 2 quả có học thuyết đó, đây là hệ thống lý luận dùng để trị quốc và thi hành chính sách, đến giữa thời Hán, khi Nho thuật độc tôn thì học thuyết ấy tuyệt rồi".

Minh Thúc tiếp tục nói :" Người ngay hay nói thực, chiếc gương đồng có thể trấn thây tránh tà đó, chính là vật tượng trưng của Pháp gia, tương truyền được tạo ra ở núi Tử Dương, có thể soi chiếu trời đất, lễ nghĩa, liêm sỉ, tứ phương. Theo ghi chép cổ, xưa kia dưới sông Hoàng Hà có xác con ba ba khổng lồ dấy gió dậy sóng, nhấn chìm thuyền bè, Tần Vương liền sai người đem gương này treo ở cửa sông, đồng thời phái quân đến trấn giữ. Cho đến khi nhà Hán thay nhà Tần, chiếc gương cổ mới rơi vào tay của vua chư hầu nhà Hán, sau cùng không biết làm sao mà lại lưu lạc tới Vân Nam. Gương này mà đặt trong quách đồng xanh thì có thể khắc chế thi biến, trên thế gian này tuyệt không có cái thứ hai. Chú nhường lại tấm gương ấy cho anh, anh tuyệt đối không để chú thiệt đâu".

Tôi nghe cũng hiểu được đại khái, tuy trong lòng có chút nuối tiếc, nhưng giờ tiếc cũng đã muộn. Giá cả dẫu có thích hợp, nhưng biết làm sao khi trong tay không có hàng, bèn nói thẳng nói thật với Minh Thúc, thằng em đây quả thực là không có chiếc gương cổ nào, tất cả là tại miệng thằng Tuyền béo, cứ hay cầm đèn chạy trước ô tô, nó nói ở Tiền Môn, thì bác phải lên Bát Bảo Sơn nghe mới được.

Nói dứt câu, tôi định đứng lên cáo từ, nhưng Minh Thúc dường như không tin lắm, một mực níu kéo, đành phải nán lại dùng bữa cơm. Lão vẫn cho rằng tôi không nỡ buông món bảo vật, bèn lấy ra một món đồ ngọc đậm nét cổ xưa, giơ lên trước mặt tôi. Tôi đá mắt nhìn qua đã biết ngay không phải vật thường, xem chừng ý của lão này là muốn đổi chác đây. Cái nghề của bọn tôi có quy định, hai bên không trao qua tay, nếu muốn đưa hàng cho người khác xem, thì buộc phải đặt lên bàn, để đối phương tự tay cầm lên xem, chứ không được trực tiếp trao vào tay đối phương. Những món này toàn là vật có giá liên thành, nhỡ chẳng may rơi xuống đất vỡ hỏng, lại khó nói rõ là trách nhiệm của ai.

Minh Thúc đã giữ trong tay, tôi cũng không tiện đón lấy, chỉ liếc mắt qua nhìn, tuy chỉ bé bằng đốt ngón tay út, nhưng chắc chắn vật này là món giá trị liên thành, đứng cạnh nó, cảm giác như cái nắng nóng oi bức ngoài kia hoàn toàn tan biến.

Răng Vàng thích nhất đồ ngọc, vừa trông thấy đã luôn miệng ngợi ca :" Người xưa nói, ngọc trong núi thì cây cối thấm nhuần, lẩn nơi sông thì muôn dòng thơm ngát. Miếng ngọc phượng này tuy nhỏ nhắn xinh xắn, nhưng vừa mang ra, đã cảm thấy cả căn phòng bỗng dưng ẩm ướt tươi nhuận, khiến chúng ta muôn phần khoan khoái. Xin hỏi đây có phải đồ trang sức đeo trên mình bà nương nương nào đó thời Đường không vậy?"

Minh Thúc đắc ý cười :" Chú Răng Vàng quả có nhãn lực, bà nương nương nào nhỉ? Cuốn Thiên Bảo Di sự tuy là loại văn chương diễn nghĩa, song cũng có không ít tư liệu lịch sử chân thực, trong sách nói Dương quý phi ngậm ngọc nuốt nước miếng để giải khát, đây chính là miếng ngọc đó đấy. Nguyên liệu làm ra miếng ngọc này thực chất là mài giũa từ thứ ngọc cổ nằm dưới đáy biển ngàn vạn năm, tính ngọc vốn nhuận, ở trong nước biển lại được ngâm tẩm bấy lâu, càng làm tăng thêm cái tính nhuận ấy, thế nên mới có thể thanh nhiệt giải độc, làm mềm cái rắn, làm ướt cái khô, là món báu vật vô giá, và cũng là món tôi thích nhất".

Răng Vàng nhìn đến ngây người, nói :" Từ xưa, phàm quật mả mà thấy xác cổ tươi nhuận như còn sống, ở trong miệng, bụng ắt có vô số mỹ ngọc. Những viên ngọc cổ moi ra trên mình bánh tông đều có giá liên thành, huống hồ là thứ ngày thường được Dương quý phi ngậm trong mồm ...", vừa nói vừa nhao cái cổ về phía trước, toan lè lưỡi liếm.

Minh Thúc vội rụt tay lại :" Chú có lẫn không thế? Giờ chưa được, sau khi đổi chác xong, chú muốn liếm thế nào thì liếm, muốn ngậm trong mồm cả ngày cũng chẳng sao cả".

Lão thấy tôi chẳng nói chẳng rằng, tưởng là trả giá chưa xứng tầm, lại rút ra một cuộn tranh cổ, đeo găng tay, trải ra cho chúng tôi xem. Lại bảo rằng chỉ cần tôi gật đầu, miếng ngọc đáy biển kia, cộng thêm bức Lạc hà thê ngưu đồ chân tích đời Tống này, sẽ thuộc về tôi cả.

Tôi nghĩ bụng, lão này thật lắm hàng xịn, cứ để mình mở mang tầm mắt đã rồi hẵng tính, thành thử tạm gác mọi chuyện sang một bên, chăm chú ngắm nhìn bức họa cổ. Bọn chúng tôi tuy buôn bán đồ cổ thật, nhưng rất hiếm khi tiếp xúc với tranh chữ, căn bản có thấy được bức chân tích nào đâu, nhưng mấy năm nay đã tiếp xúc quen với cổ vật, nên đối với mấy thứ này, đã hình thành nên một thứ trực giác, vả lại chui rúc trong mộ cổ cũng được xem không ít bích họa, vậy nên thoạt nhìn là biết đến chín mươi chín phần trăm là "tiên đan" ( đẳng cấp) thứ thiệt.

Kết cấu toàn bộ tác phẩm chia làm hai khối lớn theo hướng xiên chéo, cận cảnh bức tranh lấy cảnh cây cối um tùm làm chủ đạo, một bên là hình ảnh trâu già gặm cỏ dưới cây, đường nét chất phác trơn tru, bút pháp thần diệu, vẻ chậm rãi hiền hòa của con trâu được phác họa hết sức sinh động, có thần; trung cảnh là một căn nhà lá nằm thấp thoáng giữa rừng; phía xa thời dùng mực nhạt vẽ phác dáng núi, mây chiều xa xôi. Ba lớp cảnh trí gần, vừa, xa tiếp nối tự nhiên, bút pháp làm nhòa đi ranh giới giữa hư và thực, tạo nên lớp khói mỏng mây mờ, tựa hồ có màn the bao phủ, khiến người ta ngoài ngắm tranh ra, lại có cảm giác như được lánh xa trần thế, thân xác thâm viễn u nhàn, tinh thần thảnh thơi siêu thoát.

Minh Thúc nói đến tối, khi ánh sáng nhạt dần, con trâu vốn nằm gặm cỏ dưới cây này sẽ trở về lán cỏ nghỉ ngơi, đây là kiệt tác trân quý có một không hai ở trên đời.

Tôi lập tức ngẩn người ra, bức tranh này tuy đẹp, nhưng con trâu trong bức tranh có thể chuyển động được thì quả thực quá mức thần kỳ. Trước đây nghe nói có tay buôn đồ cổ đem hai bức tranh ra giở trò bịp, trong tranh có người lữ khách giắt sau lưng một chiếc ô, đến khi trời mưa thì ô mở ra, kỳ thực là hắn đã ngấm ngầm tráo hai bức tranh với nhau, ai không biết rõ thì đều tin đó là thần vật, bức Lạc hà thê ngưu đồ này e là cũng như vậy.

Nhưng ngay lúc đó Minh Thúc đã che ánh sáng đi, nhìn lại con trâu già trong tranh, quả nhiên đã về nằm cạnh lán cỏ, cái chỗ vốn dĩ trâu ăn cỏ thì nay hoàn toàn trống trơn, tôi nhìn mà sững sờ cả người, bức họa cổ này lẽ nào do thần tiên vẽ nên chăng?

Minh Thúc cũng không giấu giếm, nói thực cho chúng tôi biết, bức họa này được nhuộm bởi một thứ mật dược trong hoàng cung, nên mới có hiệu quả kỳ diệu này. Mà dẫu không có chi tiết này, thì bức Lạc hà thê ngưu đồ bán đi cũng phải mua được mười mấy căn hộ ra trò.

Lão lại đem ra hai món đồ nữa, giá càng trả càng cao, đúng thật có thể nói là dốc hết cả vốn, xem ra lão này sớm đã có mưu đồ, thấy tôi mãi không bằng lòng, thì lại giở tìm món đồ khác.

Tôi nói với lão :" Bọn tôi hôm nay coi như được mở mắt rồi, ở đây với bác một bữa mà kiến thức được mở mang biết bao nhiêu, nhưng thực không dám giấu, cái gương cổ của sư tổ Pháp gia đó, đúng là tôi đã cầm vào tay rồi, nhưng lại xảy ra việc ngoài ý muốn, không đem được ra ngoài, bằng không chúng tôi chắc chắn sẽ làm ăn với bác vụ này. Bác chịu bỏ vốn lớn như thế để đổi cái gương ấy, lẽ nào bánh tông ở quý phủ có triệu chứng thi biến? Nếu thấy tiện thì bác cứ nói với bọn tôi một tiếng, tôi cũng biết mấy cách có thể áp chế được thi biến đấy".

Rồi tôi lại nói :" Tôi thấy giữa anh em chúng ta cũng không cần thiết phải giữ kẽ nữa, đều là người cùng ngành cùng nghề cả, con mèo sứ hoa mười ba ria bác bày trên kệ kia là vật thờ cúng của người hành nghề cõng xác vùng Tương Tây, nếu đã như vậy, chắc chắn cũng rõ những thuật này, lẽ nào không có cách đối phó với thi biến sao?"

Minh Thúc đại khái cũng hiểu đã ra giá cao như thế, đứa nào không đồng ý thì là thằng ngu, xem ra quả là không có hàng thật, chẳng còn cách nào khác, đành nán chúng tôi ở lại dùng cơm, uống mấy chén rượu, rồi kể lại nguyên do sự tình.

Tổ tiên của Minh Thúc đích thực là kẻ cõng xác ở vùng Tương Tây. "Cõng xác" ở đây hoàn toàn không có nghĩa là vừa đi vừa cõng vác xác chết trên lưng, mà là một phương thức trộm mộ. Khoét một cái lỗ đồng thời tách bẻ tấm ván nằm ngang quan tài ra, bò giật lùi vào bên trong, không dám mặt đối mặt nhìn, mọi việc đều phải làm ngược tay. Những quy củ thần bí quái dị này cũng không rõ được truyền lại từ thời nào triều nào nữa, nhưng tóm lại nhà lão đều nhờ vào đó làm giàu cả, sau rồi ông bố lão trong một lần cõng xác ở đèo Tẩu Mã, đụng phải Tương Tây thi vương, mất cả mạng sống, số phận kẻ cõng xác đời cuối cùng cũng được đặt dấu chấm hết ở đó. Nhà Minh Thúc giàu nứt đố đổ vách, song không được truyền lại nghề gia truyền của tổ tiên, bèn dạt đến Nam Dương làm ăn, cuối cùng định cư tại Hồng Kông.

Sau đó lão bắt đầu buôn bán xác khô. Các loại xác khô quật lên từ sa mạc, núi cao, đồng hoang, chỉ cần có chút thân phận, lại giữ được nguyên vẹn, đeo lên cái mác là quốc vương nào đó, tướng quân nào đó, công chúa nào đó, là có thể ngồi yên mà ra giá, một vốn vạn lời, kiếm tiền dễ vô cùng, nơi tiêu thụ phần lớn núp dưới danh nghĩa bảo tàng, nhà triển lãm cá nhân, đương nhiên đều giao dịch ngầm cả.

Trước đây không lâu, có một bảo tàng nước ngoài đến tìm lão bàn việc làm ăn. Bọn họ có một cuốn kinh cổ lấy được ở Tây Tạng, bên trong có ghi chép hiện tượng kỳ dị trong cái chết của công chúa Ma quốc đất Tạng. Nàng ta mắc phải một căn bệnh kỳ quái, sau khi chết hóa thành Băng xuyên thủy tinh thi, người ta coi đó là thần tích, bèn xây lầu ma chín tầng chôn nàng trên đỉnh núi tuyết. Trong cuốn kinh cổ đó thậm chí còn nhắc đến manh mối cụ thể dẫn đến vị trí ngôi mộ.

Đó là vụ làm ăn lớn nhất, song theo những tư liệu mà Minh Thúc thu thập được, thì cái Băng xuyên thủy tinh thi nghìn năm này có tính cực hàn, âm khí cực nặng, nếu không có linh tháp của Liên Hoa Sinh đại sư mà Phật giáo Tây Tạng thờ phụng, người thường tiến lại gần ắt sẽ mất mạng. Gặp phải thứ ấy, tất cả các vật trấn thây còn lại đều vô hiệu cả, nghĩ đi nghĩ lại có lẽ dùng chiếc gương cổ kia mới có thể cõng được nàng công chúa trong lầu ma chín tầng ra.

Tôi và Răng Vàng đều lần đầu tiên nghe thấy tên gọi này, nhưng những lời đồn đại về Tương Tây thi vương thì cả hai đều đã nghe nói đã lâu, vậy rốt cuộc Băng xuyên thủy tinh thi này là cái gì? So với Tương Tây thi vương thì thế nào?

Tôi nghe Minh Thúc nói đến Ma quốc ở Tây Tạng, liền tức khắc chăm chú dỏng tai nghe. Lầu ma chín tầng thì tôi đã gặp rồi, chính là loại mộ tháp được xây bằng gỗ vuông và đất đầm, có thể nói là hình thái ban đầu của tháp Tạng. Công chúa gì đó của Ma quốc thì tôi chưa nghe nói đến bao giờ, có lẽ thông tin của Minh Thúc có chút nhầm lẫn, nói không chừng lại là nhân vật kiểu như "Quỷ mẫu" cũng nên. Trong đám cương thi, hung hãn nhất, chẳng gì bằng Thi vương trong núi sâu ở Tương Tây, nghe nói trăm năm mới xuất hiện một lần, mỗi lần đều gây nên họa lớn, Băng xuyên thủy tinh thi phải chăng cũng thế?

Minh Thúc nói hoàn toàn không phải thế. Băng xuyên thủy tinh thi trên núi tuyết là Tà thần được người ta cúng bái, chính là một cái xác bị thủy tinh hóa từ trong ra ngoài, cả thế giới độc nhất vô nhị, thế nên lão mới bất chấp mọi giá để sở hữu cho bằng được. Song thứ vật tà ác xa xưa này, đâu có dễ mang vào nhà người sống cơ chứ.

Người Hồng Kông, Nam Dương, đều hết sức mê tín những thứ này. Những xác khô lão buôn bán có không ít cái còn đủ bộ cả quan tài, mỗi lần bán một cỗ đi, đều phải đặt vào trong quan tài một cọng hành, "hành" ở đây với nghĩa là lưu hành, mong xua tan đi cái khí xui xẻo tà mị.

Còn như Băng xuyên thủy tinh thi, nói là xác cổ, chi bằng nói là tượng của Tà thần thì giống hơn, cho nên lão mới định dùng thần vật là chiếc gương của sư tổ Pháp gia để trấn trạch, bằng không cho dù có khai quật được thi thể trong núi tuyết ra đi nữa, cũng chẳng có gan vận chuyển về. Tây Tạng là nơi thần bí, có rất nhiều việc khó mà dùng lý lẽ thường tình để xét đoán được, ai mà biết được có lời nguyền gì sẽ giáng họa xuống đầu người ta. Chiếc gương đã mất rồi thì đành tìm thứ khác. Khi nào thấy khả quan, lão sẽ tập hợp một nhóm tiến vào Tây Tạng, lần theo manh mối trong kinh sách cổ đi đào Băng xuyên thủy tinh thi. Vụ làm ăn này quá lớn, lão phải đích thân đốc chiến, giám sát kỹ càng không để bọn thủ hạ làm hỏng mất cái thây.

Còn việc tập hợp một nhóm vào Tây Tạng, đến nay vẫn chưa có người nào thích hợp. Minh Thúc hy vọng tôi sẽ tham gia chuyến đi này, nếu như có mấy vị Mô kim Hiệu úy giúp sức, thì xác suất thành công chắc chắn sẽ tăng lên gấp bội.

Tôi chưa nhận lời ngay, trong bụng thầm tính, hóa ra lão này chịu lỗ vốn như thế, không chỉ vì ham hố một tấm gương, mà còn mong chúng tôi ra tay trợ giúp. Giờ tôi đang có mấy nghi vấn, làm thế nào Minh Thúc lại biết được việc chúng tôi tìm thấy tấm gương cổ ở Vân Nam? Chắc lão biết tôi và Tuyền béo làm nghề đổ đấu, nhưng lão không thể biết chúng tôi là những Mô kim Hiệu úy đeo bùa Mô kim, lẽ nào những điều này đều do Tuyền béo nói ra?

Hỏi ra mới biết Minh Thúc vốn chẳng quen biết gì Tuyền béo, cũng chưa từng nói chuyện với cậu ta, mà bảo có một cao thủ bói toán, tinh diệu như thần, tất cả đều nhờ ông ta chỉ điểm. Thoạt tiên, lão nhận được tin tức có chiếc gương cổ phát hiện ở Vân Nam truyền ra từ Phan Gia Viên, đã sai người đi thăm dò khắp nơi mà không có kết quả, bèn tìm đến một lão thầy bói mù tự xưng là thân chuyển thế của Trần Đoàn lão tổ, xin ông ta chỉ dạy xem liệu có thể biết được tốp người ngựa nào gần đây có được chiếc gương cổ trong vùng rừng núi sâu thẳm ở Vân Nam. Kết quả là lão thầy bói mù chẳng buồn nghĩ ngợi, liền lập tức gieo một quẻ, sau đó viết ra một địa chỉ, bảo rằng cứ theo địa chỉ này đến tìm một vị tên là Vương Khải Tuyền, còn vị kia tên là Hồ Bát Nhất là được. Hai người này là những Mô kim Hiệu úy cao minh nhất hiện nay, đều có trong mình cái gan dạ mà vạn quân khó địch, cái màu nhiệm mà ma quỷ khôn lường, lại kiêm cái trung của Vân Trường, cái mãnh của Dực Đức, cái dũng của Tử Long, và cái trí của Gia Cát Lượng, tấm gương đó chắc chắn là do bọn họ đào về.

Minh Thúc lại nói hôm nay được tiếp kiến hai chúng tôi, những lời trong quẻ bói hôm trước quả nhiên ứng nghiệm. Lão tiên sinh kia, quả là thần tiên sống, những cơ những số ngài bói ra, tựa hồ đuốc rọi mai rùa, thấu rõ từng chân tơ kẽ tóc, ngài không những do Trần Đoàn lão tổ chuyển thế, nói không chừng còn có Chu Văn Vương nhập vào ấy chứ.

Tôi với Răng Vàng nghe đến đây, đều gắng bặm môi, không dám bật cười, nghĩ bụng với cái trình xem bói còi ấy mà cũng có thể xưng là "đuốc rọi mai rùa", thế thì chúng tôi cũng có thể làm Chu Văn Vương được. Song lão mù lần này cũng coi như là làm được một việc tử tế, không làm khó chúng tôi, toàn thêu hoa dệt vóc lên người chúng tôi cả. Người này tâng bốc người nọ, càng bốc càng lên cao ngút, thế nên tôi và Răng Vàng cũng lập tức giả bộ sửng sốt, nói với Minh Thúc rằng, không ngờ ngoài đời lại có một vị cao nhân như vậy. Trước đây nào có hiểu mấy câu " chưa bói đã hay", "liệu việc như thần" nghĩa là gì đâu, hôm nay coi như đã được lĩnh hội một cách sinh động và thiết thực nhất rồi. Nếu như có cơ duyên bái kiến, ắt sẽ nhờ lão nhân gia ấy chỉ điểm cho, như vậy ắt là cả đời sẽ thụ ích vô cùng, chỉ có điều chúng tôi là bọn phàm phu tục tử, e là không có cái cơ may ấy đâu.

Minh Thúc nói cũng không phải là không có cơ hội, vị lão thần tiên đó, ở gần công viên Đào Nhiên Đình, bỏ ra một trăm tệ là có thể gieo một quẻ, chỉ cần cho nhiều tiền là có thể mời được về nhà xem phong thủy. Nhưng ông cụ có một cái thói, là chỉ ngồi xe Polonez, các xe khác không chịu ngồi, anh bạn anh vừa vặn có một chiếc, nếu các chú muốn đến mời ông ta, để anh bảo thằng A Đông chở các chú đi.

Tôi cám ơn rồi từ chối hảo ý của lão, nếu cứ tiếp tục nói chuyện này, chắc chắn sẽ cười vỡ bụng mà lòi đuôi chuột ra, nên vội nói lảng sang chuyện khác, không nhắc đến lão thầy bói mù nữa. Tôi nói với Minh Thúc, lẽ ra tôi có thể đảm đương được việc vào Tây Tạng đào lấy Băng xuyên thủy tinh thi ở lầu ma chín tầng, dù không có chiếc gương cổ của sư tổ Pháp gia, nhưng tôi vẫn có thể nghĩ cách tìm thứ khác để thay thế, còn cụ thể là thứ gì, thì giờ chưa thể nói được. Nói chung, giết gà hay mổ trâu, đều có cách thức riêng của nó, Mô kim Hiệu úy chúng tôi cũng có cách riêng của mình. Nhưng trước mắt tôi còn việc quan trọng hơn cần giải quyết, trước khi có kết quả, vẫn chưa thể nhận lời bác được, đợi mấy ngày nữa, tôi sẽ gửi bác câu trả lời chính xác.

Lão Minh này rõ ràng rất muốn dựa vào chúng tôi , lần lữa căn dặn, lại còn bằng lòng đưa tiền đặt cọc trước. Tôi và Răng Vàng thòm thèm miếng ngọc phượng Dương quý phi ngậm trong miệng đã lâu, liền hỏi xem liệu có thể đưa trước món đó cho chúng tôi không, một khi chúng tôi ngơi việc, chắc chắn sẽ ưu tiên suy nghĩ đến vụ làm ăn của bác.

Minh Thúc vội thu miếng ngọc lại, nói :" Chớ vội, chớ vội! Sau khi xong việc, mấy thứ này sẽ thuộc về các chú, song đem miếng ngọc này ra làm hàng đặt cọc thì quả thực không thích hợp cho lắm, anh sẽ đưa các chú một món khác". Nói đoạn liền rút dưới gầm kệ gỗ đàn ra một cái bệ sứ. Nom cái bệ hết sức cũ kỹ, hoa văn xanh trên viền bệ đã bị bào mòn, chỉ còn vài nét nhạt nhòa, tôi và Răng Vàng thấy vậy thì chẳng có hứng thú gì, nghĩ bụng lão này thật là hám của, chưa trao tiền là chưa múc cháo, cái thứ hàng tã này mang ra Phan Gia Viên chắc bán được cho bọn ba gác.

Minh Thúc lại tỏ ra hết sức thần bí, moi trong cái bệ sứ một túi giấy dầu nho nhỏ, thì ra trong bệ còn giấu đồ, món đồ đó được bọc rất kỹ bằng giấy dầu, phải đến mười lớp. Thoạt tiên là cạo lớp sáp bôi ở phía ngoài giấy dầu đi, sau đó mới lần giở từng lớp giấy dầu ra. Tôi và Răng Vàng chụm đầu lại xem, hóa ra thứ được bọc kín mấy lớp kia là hai chiếc lá khô vàng.

Tôi bắt chước giọng điệu của lão nói :" Bác có lẫn không thế? Đây chẳng phải là lá khô sao? Chúng tôi đường đường là Mô kim Hiệu úy, có thứ minh khí nào là chưa lọt mắt?". Tôi vừa nói vừa nhón một chiếc lá lên xem sao, hình như cứng hơn lá cây thông thường, song tuyệt đối không phải là thứ hàng có giá trị gì, xem xong liền vất về chỗ cũ, đánh mắt với Răng Vàng, tức tối nói với Minh Thúc :" Bác không nỡ bỏ hàng ra đặt cọc thì thôi, đem hai cái lá cây này ra định dọa ai chứ, bác định chơi xỏ đồng bào Đại lục chúng tôi sao?"

Răng Vàng vội giả bộ ngăn tôi lại, nói với Minh Thúc :" Bác Nhất nhà bọn em phải cái nóng tính, từ nhỏ đã có mối thâm thù đại hận rồi, hễ thấy tay tư bản nào là lại không kìm được. Anh ấy mà cáu lên thật thì không ai ngăn được đâu, em khuyên bác, bác cứ đưa miếng ngọc phượng của Dương đại mỹ nhân ra đi, chớ để bác Nhất điên lên dỡ cả nhà bác ra đấy".

Minh Thúc tưởng chúng tôi tức giận thật, sợ đắc tội vội giải thích ngay :" Có lẫn không thế chú Nhất? Thứ này sao lại là lá cây được nhỉ? Lá cây nào giống thế này? Đây là báu vật tôi mua lại của hải tặc Malacca đấy, từ cái hồi tôi còn xuôi tàu buôn xuống Nam Dương kia, đây là vảy rồng, là vảy rồng đấy".

Để chứng minh, lão đổ đầy nước vào cốc trà, rồi nhặt lấy một tấm lá vàng, nhẹ tay thả vào trong cốc. Chỉ kịp thấy cái thứ "vảy rồng" này, vừa gặp nước tức khắc đã nở to ra gấp đôi, màu sắc cũng chuyển từ vàng sang xanh, long lanh mướt mát, hao hao một miếng phỉ thúy.

Tôi trước ở Phúc Kiến cũng từng nghe nói "vảy rồng" hay có nơi còn gọi là "Nhuận hải thạch" rất có giá, nhưng chưa thấy tận mắt bao giờ. Nghe nói đặt một tấm như vậy ở trên tàu thuyền, có thể tránh sóng gió; ở những nơi hay hạn hán, chỉ cần thờ cúng mấy tấm thôi là cũng có thể cầu mưa, đem dùng pha trà còn có thể trị chứng hen suyễn, còn như có phải là vảy rồng thật không thì không rõ, có lẽ chỉ là vảy của một loài cá khổng lồ nào đó. Vật này tuy tốt, nhưng không thuộc loại hiếm có kỳ lạ, không thiết thực như miếng ngọc phượng kia, thành thử tôi vờ như không hiểu, nói với Răng Vàng :" Thứ này sao lại gọi là vảy rồng nhỉ? Anh xem xem có giống như cái món mà mình vẫn hay nhậu ... tên là gì ấy nhỉ?"

Răng Vàng đáp :" Phồng tôm! Ngâm xuống nước một cái là nở to ra ngay, một tệ mua được cả gói to tướng. Thằng cu Tiểu Tam nhà tôi thích món này nhất, ăn hai miếng này thì chẳng bõ cho nó dính răng".

Hai bọn tôi nói hươu nói vượn, cuối cùng vẫn chẳng thể phỉnh được miếng ngọc phượng vào tay, vảy rồng Nhuận hải thạch tuy có kém hơn vài phần, nhưng cũng không thể không lấy gì được, thế thì dứt khoát lấy luôn cả cái bệ sứ cho xong.

Trên đường về, Răng Vàng hỏi tôi hai tấm Nhuận hải thạch này đáng mấy vạn tiền Hồng Kông. Tôi nói rẻ vãi, cả hai tấm cộng lại bán được tám nghìn đã là khéo lắm rồi.

Răng Vàng lại hỏi lần này tôi thực sự định làm quân cho lão khọm Hồng Kông ấy sai bảo sao, thu xếp xong sẽ đi núi Côn Luân ở Tây Tạng thật à?

Tôi nói chớ coi hắn là khọm già Hồng Kông, khọm nhưng lại có tiền, tiền của khọm Hồng Kông cũng là tiền, anh em ta không thể kỳ thị bọn tư bản ấy được, tiền của chúng cũng không thể lấy trắng trợn được. Ngoài ra trong tay lão lại có manh mối về lăng tẩm của Ma quốc ở Tây Tạng, đôi bên có thể lợi dụng lẫn nhau, nhưng việc này sau khi về còn phải bàn bạc suy tính kỹ đã. Giờ chúng ta còn việc nữa phải mau chóng giải quyết, ấy là ra công viên Đào Nhiên Đình tìm gặp lão thầy bói mù. Lão ta rất am tường Kinh Dịch, cuốn Kinh Dịch bao la vạn tượng, song cội nguồn của nó lại chính là mười sáu chữ Thiên quái, tôi phải đến tìm lão ta hỏi thăm một số chuyện liên quan đến phương diện này, để sau khi Shirley Dương về, khỏi phải nói tôi cả ngày chẳng được tích sự gì.

--------------------------------
1 Xác thủy tinh ở sông băng.
2 Thời kỳ chứng kiến sự mở rộng quy mô về văn hóa và tri thức ở Trung Quốc kéo dài từ 770 đến 222 TCN, trùng khớp với hai giai đoạn Xuân Thu và Chiến Quốc, cũng được gọi là thời đại hoàng kim của tư tưởng Trung Quốc.
...............................................................
bạn đang đọc truyện tại
http://cuongno1.jw.lt
chúc các bạn vui vẻ
....................................................................
Chương 3: ẤN PHÁT KHÂU

Thế rồi tôi và Răng Vàng chạy thẳng tới Hữu An Môn, hỏi thăm mấy câu đã tìm ra lão mù họ Trần đang xem bói cho người ta trong một cái chòi hóng mát, trong chòi còn có mấy người rỗi hơi đến xem cho vui. Chỉ thấy lão mù đang rờ rẫm lên người một anh trung niên dáng dấp như cán bộ, bỗng dưng lắc lư cái đầu nói :" Đầy đặn khuôn trăng há tướng phàm, mũi hùm ai kẻ dám thi gan, sờ xương thoáng biết người hậu phát, mai mốt đường đường nhậm chức quan, trong ba năm tới ắt sẽ được đảm nhiệm một chức vụ quan trọng. Theo ngu kiến của lão phu, thì chí ít cũng phải là một chức cấp bộ trưởng, nếu như không phát, cứ bắt lão phu ra đường đập đầu vào cột điện!".

Anh trung niên nghe vậy cả mừng, rối rít cảm ơn và trả tiền. Tôi thấy lão mù vừa rảnh tay, toan ra nói chuyện, thì lại có người chạy ngay đến xin lão gieo quẻ. Người này là thương nhân Hồng Kông, nói rằng người trong nhà toàn gặp những điều bất trắc, phải chăng là phong thủy, âm trạch, dương trạch có chỗ nào không ổn. Lão mù bấm đốt ngón tay tính, hỏi rằng :" Trong nhà nuôi chó phải không?". Tay thương nhân Hồng Kông đáp :" Dạ vâng, có nuôi một con thầy ạ, nó ngoan ngoãn lắm, người nhà con đều hết sức cưng chiều nó".

Lão mù hỏi đặc trưng vóc dáng của con chó, rồi than rằng :" Hà cớ khổ sở nuôi loài oan súc này, con chó Tây này kiếp trước có mối thâm thù huyết hận với các hạ, không lâu nữa ắt sẽ báo thù. Lão phu không nỡ ngồi yên bỏ mặc, ngày thứ ba sau khi các hạ về nhà, hãy giả vờ nằm ngủ, đợi sau khi con chó ngủ say, thì lấy quần áo đụn thành người giả để nằm trên giường, sau đó đi xa nhà mấy hôm. Bữa sau con chó không thấy các hạ, hẳn sẽ cả giận mà chết, các hạ hãy đem xác nó treo lên cành cây cổ thụ trong rừng, khiến thân nó tan rữa rã nát, phải nhớ kỹ là không được chôn hay hỏa táng đấy!"

Lão mù lại ra vẻ ra dáng dặn dò tay thương nhân, đợi khi da thịt con chó đó tan hết, chỉ còn sót lại xương lông, lúc ấy nỗi oán hờn mới được hóa giải. Tay khách Hồng Kông tâm phục khẩu phục, cuống quýt móc tiền ra hiếu kính.

Tôi thấy trời đã quá trưa, không nhẫn nại chờ lâu thêm được nữa, bèn cùng Răng Vàng, mỗi người một bên, xốc nách lão mù đưa ra ngoài. Lão mù kinh hãi, vội nói :" Nhị vị tráng sĩ, không biết hai vị là hảo hán ở sơn trại nào? Có việc gì thì từ từ nói, trong người lão phu không có tiền đâu ... Hai vị kẹp kéo như thế, mớ xương cốt này làm sao chịu nổi?". Song mới được mấy bước, lão đã ngửi ra mùi quen thuộc, nói :" Phải chăng là Mô kim Hiệu úy Hồ đại nhân?"

Tôi cười ha hả, đồng thời buông cánh tay đang xốc nách lão ra. Lão mù biết không phải bị bắt trói tống tiền, bỗng chốc nhẹ cả người, ai ngờ đắc ý quá, lao về phía trước hai bước, đập đầu vào cây cột điện. Lão mù đau quá, mồm miệng ngoác cả ra, tay bưng đầu than vãn :" Hôm nay tiết lộ thiên cơ, làm lộ bí mật của Tạo hóa, thế nên có báo ứng này".

Tôi dắt lão mù vào trong một quán bánh bao bên đường, nói với lão :" Xin Trần lão gia chớ trách, tôi đến tìm ông quả thực có việc gấp, làm lỡ việc kiếm chác của ông, lát nữa mất bao nhiêu, tôi xin trả bù!"

Lão mù gọi một suất mì vằn thắn, vừa ăn vừa nói :" Đâu có, đâu có! Lão phu có được ngày hôm nay, đều nhờ cả vào ơn dìu dắt của Hồ đại nhân hôm xưa, bằng không chắc cả đời núp trong cái chốn quê mùa xó xỉnh rồi, làm sao mà chễu chện ngồi trên xe Polonez được?"

Răng Vàng vốn dĩ nghe tôi bảo lão mù xem bói toàn nói linh tinh, song ban nãy ở trong chòi hóng mát, thấy lão mù thần cơ diệu toán, liệu sự như thần, liền thay đổi cách nhìn, cũng muốn nhờ lão mù bói cho đường tài lộc.

Lão mù cười cười nói, trước mặt Hồ đại nhân, đương nhiên không thể nói giỡn, thần cơ diệu toán cái gì, toàn ăn tục nói phét cả thôi. Nói đoạn liền dốc ngược bát mì lên húp cho bằng sạch, rồi tiện thể nói cho chúng tôi biết sự ảo diệu bên trong.

Từ xưa, xem bói xem tướng, chỉ cần chú ý đến lời nói, sắc mặt của đối phương rồi lựa cơm gắp mắm, mọi sự đều gói gọn trong bốn chữ "tùy cơ ứng biến", lại phải rất có kỹ xảo. Giống như câu chuyện của tay thương nhân Hồng Kông kia, hỏi hắn ta có nuôi chó không, đây là một câu hỏi mở, nếu hắn ta trả lời không nuôi, vậy sẽ nói nhà hắn thiếu một con chó trấn trạch; nếu trả lời có nuôi, vậy thì là vấn đề của chó. Tay khách Hồng Kông bỏ con chó ở nhà, cùng gia đình đi xa tránh nạn, trong thời gian ngắn chắc chắn không dám về, con chó ấy lẽ nào lại không chết đói? Mà cho dù con chó không chết đói, tay khách Hồng Kông vẫn sẽ cho rằng lão phu đây bói rất chuẩn, có điều trong đó dính dáng đến nỗi oan thù, không chịu nói rõ ra thôi, hắn sẽ nghĩ ra cách khác để con chó chết đói, tóm lại phải nói cho nó huyền ảo một chút, điều này thì cần phải xem trình độ khua môi múa mép thế nào. Những lời này đều buột miệng ứng phó, chẳng ai để ý xem sau này linh nghiệm hay không, chỉ cần trước mặt nói dăm ba câu, để người nghe tin phục là được, nói đi nói lại trong mắt bọn phàm phu tục tử ấy, lão phu là thần tiên vậy.

Cuối cùng lão mù nói với tôi và Răng Vàng :" Hai vị ạ, trong thiên hạ đặng mấy người biết được thần thuật đâu cơ chứ? Chẳng qua là cái thuật gió theo chiều nào theo chiều ấy mà thôi, phàm bói toán gieo quẻ đều theo thuật này cả, có thể làm được như vậy thì là thần tiên, rời thuật đó ra thì không phải thần tiên nữa vậy".

Răng Vàng nói :" Trần lão gia quả là bậc cao nhân, nếu cụ không làm cái nghề xem bói này mà buôn bán tranh chữ đồ cổ ắt sẽ phát tài to. Riêng với bản lĩnh bắt người chết phải há mồm nói này của cụ, con quả thực thua xa!"

Tôi nghe lão mù nói lý lẽ, nghĩ bụng ở nhà Minh Thúc nghe chuyện lão này gieo quẻ, liền cảm thấy có lẽ lão biết được chút ít điều kỳ ảo của mười sáu chữ Thiên quái, song giờ nhìn lại, lý luận lão dựa vào để gieo quẻ cơ hồ bằng không, chỉ thuần túy là lừa bịp hù dọa, nhưng đã đến đây tìm lão, thôi thì cứ hỏi xem sao vậy.

Thế là tôi mở miệng hỏi lão xem có hiểu Kinh Dịch không, liệu có nghe nói đến "Thập lục tự" thất truyền đã lâu không? Lão mù vân vê chòm râu dê, suy nghĩ hồi lâu mới trả lời :" Trong Dịch, muôn tượng đều có, song lão phu năm xưa kiếm sống bằng nghề Tạ lĩnh quật mả, sau đó mất đi đôi mắt mới đành phải xem bói rờ xương kiếm ăn, tuy quen nghề đổ đấu thật, song lại không biết gì về Âm dương bát quái. Có điều lão phu nghe nói trên núi Bạch Vân cách kinh thành không xa, gần đây có một thầy phong thủy âm dương rất nổi tiếng, từng được bậc chân sư truyền thụ, nắm rõ mọi quẻ, tinh thông phong thủy và Dịch học. Hai người thử tới tìm người đó xem sao, hắn tự xưng nắm rõ mọi quẻ, ắt có cái chỗ hơn người".

Tôi bảo lão mù đọc lại để tôi chép tên tuổi của vị chân nhân và tên thôn nơi vị đó trú ngụ lên giấy. Núi Bạch Vân nói đến ở đây tức là môt mạch núi thừa ra trong mạch núi Yên Sơn, cách Bắc Kinh không xa, bắt xe ô tô đi mấy tiếng đồng hồ là tới. Tôi định lát sẽ đi luôn một chuyến, chỉ cần có một phần trăm hy vọng, cũng vẫn phải cố gắng cả trăm phần trăm.

Sau đó tôi lại bảo lão mù kể cho nghe truyền thuyết về ấn Phát khâu, tôi tính đã không có gương cổ, thì đành kiếm một cái ấn Phát khâu cũng có công dụng trấn tà y như thế đem ra hù Minh Thúc, quan trọng là lão ta có thể tiết lộ cho chúng tôi manh mối về lăng mộ Ma quốc, còn như việc lão ta sau khi đem về nhà có trấn trạch được hay không, tôi nào rỗi hơi để ý.

Riêng nói về các ngón nghề đổ đấu thì lão mù hết sức am tường. Mấy chục năm nay, các ngón nghề đổ đấu truyền thống cũng như quy định trong nghề đã ít nhiều bị mất đi, lão mù này có thể dựa vào những kiến văn bươn chải trong giang hồ năm xưa để lấp khoảng trống ấy cho chúng tôi.

Từ khi con người bắt đầu khai quật mộ cổ thì đã có phái Phát khâu và Mô kim, sau đó mới có thêm "Ban sơn Đạo nhân", lại cả bọn "Tạ lĩnh Lực sĩ" vây bè kéo cánh, tự lập thành một phái riêng hành sự nữa. Phái Phát khâu có ấn chương, phái Mô kim có bùa ngải, phái Ban sơn có phương thuật, phái Tạ lĩnh có móng giáp, trong đó môn phái hành sự quỷ quái bí mật nhất chính là hội "Ban sơn Đạo nhân". Họ đều cải trang thành đạo sĩ, mà chính vì cách ăn vận của họ, khiến họ trở nên thần bí hơn, không ít người tưởng "Ban sơn phân giáp thuật" chuyên để khai quật mồ mả của họ là một dạng phép thuật giống như đạo thuật Mao sơn.

"Tạ lĩnh Lực sĩ" là đám nửa mùa, không ra trộm mộ cũng chẳng ra lục lâm thảo khấu, lúc nào có mộ thì chúng bới mồ quật mả, lúc nào không tìm thấy mộ thì tên trùm sỏ truyền giáp bài xuống, gọi nhau tụ họp đi cướp của. Đám này người đông thế lớn, chỉ cần tìm thấy chỗ, thì dẫu có là mộ khổng lồ đi nữa, chúng cũng dám quật lên.

Những đợt thay triều đổi đại là lúc phong khí trộm mộ thịnh hơn cả, chỉ cần là lăng tẩm đế vương, mồ mả của tiên hiền, mộ cao bia dày, xa gần đều thấy, trộm cướp đều đua nhau kéo đến. Tục ngữ có câu " Lạc Dương, Mang Lĩnh khắp nơi, nay không có đất nằm rồi cho trâu, Mô kim Tạ lĩnh Phát khâu, Ban sơn bốn phái đua nhau trộm mồ. Nào giáp thuật, nào ấn bùa, mộ hoang mả cỗi có chừa cái chi?"

Hình thái sơ khai của phái Mô kim bắt đầu hình thành từ thời Chiến quốc, phái này tinh thông "quyết chú tầm long" và thuật "phân kim định huyệt"; Phát khâu Tướng quân đến thời Hậu Hán mới có, lại có tên là Phát khâu Thiên quan hay Phát khâu Linh quan. Kỳ thực thủ đoạn của Phát khâu Thiên quan và Mô kim Hiệu úy gần như hoàn toàn giống nhau, chỉ có hơn một chiếc ấn đồng, trên ấn có khắc tám chữ " Thiên quan tứ phúc, bách vô cấm kỵ", món thần vật không gì có thể thay thế được của bọn trộm mộ. Chiếc ấn này đã bị hủy vào thời Vĩnh Lạc nhà Minh, không còn tồn tại trên đời nữa.

Tôi theo lời miêu tả của lão mù, ghi lại cẩn thận từng chi tiết như đặc trưng, kích cỡ của ấn Phát khâu, sau đó bảo Răng Vàng nghĩ cách tìm người làm chiếc ấn giả. Tốt nhất là tìm thợ cả trong mấy hàng giả cổ, lấy đồ cổ ra giả đồ cổ, chuyện tiền nong thì khỏi tính toán làm gì. Minh Thúc cũng là người trong nghề, ấn giả làm ra chắc chắn sẽ khiến lão sửng sốt, cũng may là lão cũng chưa thấy ấn thật bao giờ.

Tôi bảo Răng Vàng đưa lão mù về, còn mình thì vội vội vàng vàng chạy về nhà, chuẩn bị lên núi Bạch Vân. Về đến nhà, gần như là cùng bước vào cửa với Shirley Dương, tôi vội hỏi xem tình hình hộp sọ thế nào.

Shirley Dương thất vọng lắc đầu. Trong miệng của hộp sọ Hiến vương đúng là có ngậm một vật, to cỡ mắt người, nhưng đã gắn chặt vào khoang miệng trong đầu lâu, không thể nào tách ra được. Cả đầu lâu bị hóa ngọc với trung tâm là phần miệng lưỡi, thóp và cổ vẫn nguyên dạng, những bộ phận đó đã cắt rời ra rồi, giờ chỉ còn lại một khối phần mặt và khoang miệng. Nói đoạn, cô liền lấy ra cho tôi xem.

Hộp sọ của Hiến vương bị cắt hết toàn bộ những phần có thể bóc tách, phần còn lại cơ hồ chỉ là một khối ngọc tròn có dáng dấp mặt người, đường vân bên ngoài cùng lộ ra hình xoắn ốc. Shirley Dương nói hộp sọ này có thể hấp dẫn dạng trung gian giữa vật chất và năng lượng như "thi động", chắc chắn không phải vì nó đã hóa ngọc, mà là bởi khối vật chất bên trong kia. Kết quả chụp X-quang cho thấy, màu sắc của thứ vật chất bên trong hộp sọ đậm dần, như kiểu các lớp của con mắt, ngoài Mộc trần châu ra, thì còn thứ gì vào đây nữa chứ.

Chỉ có điều dựa vào mỗi thông tin chứa trong thiên thư long cốt "Phượng minh kỳ sơn", chúng ta sẽ chẳng thể nào biết được, cũng chẳng thể nào lý giải nổi những điều cổ nhân miêu tả về đặc tính của vật này. Nó rốt cuộc là nhãn cầu, vòng xoáy, phượng hoàng, hay là thứ gì đó khác, lại có quan hệ gì với sự trường sinh bất tử, vũ hóa thành tiên. Như Hiến vương chẳng hạn, ông ta có lẽ đã làm sai bước nào đó, hoặc hiểu sai nội dung nào đó trong thiên thư ... năm xưa kết quả quẻ bói của tổ tiên bộ lạc Zhaklama chỉ nhắc đến việc hóa giải lời nguyền bắt buộc phải tìm Mộc trần châu, song sau khi tìm được phải làm thế nào, thì không thấy để lại ghi chép gì.

Tôi nói với Shirley Dương , mấy hôm nay tôi cũng chẳng ngồi không, vừa nãy dò hỏi được một vị "chân nhân toàn quẻ" ở núi Bạch Vân, liền nhớ ra sư phụ của ông nội tôi trước kia cũng học nghệ chính ở núi Bạch Vân này. Nói không chừng cuốn tàn thư âm dương phong thủy cũng xuất phát từ đó mà ra, nên định qua đó thử vận may luôn xem sao.

Shirley Dương vừa nghe thấy có cơ hội tìm ra bí ẩn của thiên thư, bèn đòi đi cùng tôi. Tôi nói cô cứ ở nhà đi, vì tôi còn có nhiều việc phải làm. Một khi thiên thư được phá giải, bước tiếp theo của chúng ta khả năng sẽ phải tới Tây Tạng, đi tìm đàn tế thờ vật tổ là con mắt khổng lồ ấy. Bữa trước chúng ta mất mát quá nhiều trang thiết bị ở Vân Nam, cho nên cô vẫn phải bảo đồng minh người Mỹ chuyển một lô qua đường hàng không cho ta, thứ gì không mua được thì bảo Răng Vàng đi đặt làm.

Sau đó tôi lại kể chuyện Minh Thúc cho Shirley Dương nghe, rồi hỏi cô liệu có thể lợi dụng manh mối đang có trong tay lão không. Shirley Dương hỏi tôi định thế nào. Tôi nói cứ chiếu theo phương châm "hợp tác và giữ đúng khoảng cách" Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn thường xuyên sử dụng mà làm.

Ngay sáng sớm hôm sau, tôi tới nhà ga phía Nam đáp tàu hỏa, dọc đường dò hỏi tìm ra địa chỉ nhà của Mã Vân Lĩnh chân nhân ở núi Bạch Vân, song người nhà họ Mã bảo ông ta lên núi xem phong thủy địa lý cho người ta rồi. Tôi ngồi đợi thấy sốt ruột, nghĩ bụng vừa hay mình cũng định lên núi, đi xem xem bản lĩnh xem hình đo đất của vị chân nhân họ Mã này thế nào, hy vọng ông ta không phải cái loại bịp bợm như lão thầy bói mù.

Núi Bạch Vân này tuy không thể so sánh được với những chốn danh sơn trong thiên hạ, nhưng cũng có đôi vẻ sắc nước màu non. Tôi đi theo lối người nhà họ Mã chỉ, men núi leo lên đến đỉnh, thấy một đám mười mấy người đang vây quanh một ông già gầy gò chỉ còn da bọc xương, đôi mắt sáng quắc, ánh nhìn dõi ra bốn phía, tay phe phẩy chiếc quạt giấy, đang chỉ cho mọi người xem hình thế núi sông.


Phần 2



thích!!!
Gửi cho bạn bè:


« quay lại


Powered by Xtgem
© copyright by CườngNo1
U-ON CườngngNo1.jw.lt

Powered by XtGem.Com