Lamborghini Huracán LP 610-4 t
Truyện Ma - kinh dị

Chuyện ma ở Việt Nam

Truyền kỳ những hồn ma trinh nữ

Nhiều người khẳng định “có ma trong những ngôi biệt thự bỏ hoang” ở Đà Lạt! Chuyện về những ngôi nhà ma ở phố núi quả không ít và nếu ai đã một lần nghe kể dù gan đến đâu cũng phải rùng mình!

Những biệt thự... ma

Ông H.Đ.K, một cán bộ công chức ở thành phố mờ sương này nói như đinh đóng cột: “Biệt thự số 4 đường Thủ Khoa Huân có ma!” Trước đây, ông cùng đồng nghiệp đã ngủ trong ngôi biệt thự này, ban ngày thì không sao nhưng hễ đêm đến là nghe tiếng các khung cửa kính rung bần bật như đang bị gió bão thổi tung mặc dù bên ngoài trời im, gió lặng.

Dù đã chèn tất cả cửa lại nhưng rồi tiếng động ấy vẫn cứ lặp đi lặp lại suốt đêm. Đây là ngôi biệt thự của một quan chức người Pháp, sau này được sử dụng làm dinh thự của tỉnh trưởng tỉnh Lâm Viên.

Tầng hầm của ngôi biệt thự là nơi giam giữ, tra tấn các chiến sĩ cách mạng, trong đó không ít người đã chết vì đòn roi, vì bị bỏ đói… Năm 1975, trước ngày giải phóng Đà Lạt, có 2 thường dân leo lên tháp nước của ngôi biệt thự xem chiến sự thì bị địch bắn chết. Người ta cho rằng những hồn ma oan ức này đến giờ vẫn quanh quẩn bên tháp nước quậy phá.

Cách đó mấy trăm mét, một ngôi biệt thự khác cũng “nổi tiếng” với những lời đồn thổi về ma. Đấy là ngôi nhà trước đây do người Pháp xây dựng, sau này liên quân Mỹ sử dụng làm kho quân trang, quân dụng, khi cách mạng tiếp quản, ngôi nhà được sử dụng làm trụ sở làm việc của Thành ủy Đà Lạt, nay một công ty tư nhân phá đi để chuẩn bị xây dựng một siêu thị tầm cỡ đầu tiên ở phố núi.

Không chỉ ban đêm mà ngay cả giữa trưa, nhiều người ngủ trên giường cũng bị ma kéo bỏ xuống sàn nhà(!?). Người dân phố núi cho rằng đó là những oan hồn phiêu bạt về giành giường với người sống.

Còn rất nhiều ngôi biệt thự ở phố núi được khoác trên mình những truyền thuyết về ma. Có thể kể đến ngôi biệt thự số 8 đường Quang Trung, biệt thự kiến trúc Pháp rất đẹp, một thời được sử dụng làm kho lương thực, nay là trụ sở tòa soạn báo Lâm Đồng. Có đêm, người nghe thấy tiếng dập cửa, tiếng khóc rên, tiếng trẻ con học bài ê a…

Hồn ma trinh nữ

Ngôi biệt thự được đồn... có ma trên đèo Prenn.
Một ngôi biệt thự khác nằm trên đường lên thác Cam Ly, nay là trụ sở của Ban quản lý dự án du lịch Đan Kia – Suối Vàng, cũng có lời đồn là có ma. Ngôi biệt thự này do người Pháp xây dựng từ những năm đầu của thập niên 1930, một thời bỏ hoang, mái ngói xiêu vẹo, cửa nẻo tan hoang. Phía trước ngôi biệt thự có cây thông cổ thụ phải đến hơn 100 tuổi, nhánh cành sum suê, xanh tốt đến lạ thường.

Bà Phạm Thị Liên, một người dân ở gần kể: vào những đêm rằm thường có một ma nữ mặc áo trắng toát treo mình trên cây thông chải tóc, mái tóc đen nhánh chảy dài xuống tận mặt đường... Hồn ma này liên quan đến cái chết của một cô gái trẻ người dân tộc bản địa rất xinh đẹp, bị một gã sở khanh lừa tình nên treo cổ tự vẫn và hồn ma cứ quanh quẩn bên cây thông, những đêm thanh vắng thường hiện hình để chải tóc dưới trăng và chọc ghẹo người đi dường.

Ly kỳ hơn là chuyện về ngôi biệt thự ma nằm trên lưng chừng đèo Prenn, tọa lạc bên triền đồi thoai thoải, ẩn mình trong rừng thông quanh năm vi vút gió. Ngôi biệt thự này cô quạnh quanh năm, gần như tất cả các khung cửa của ngôi nhà đều bị long bật, đổ vỡ. Bà Nguyễn Thị Nhiệm, người trông coi ngôi biệt thự kể, nhiều đêm không tài nào ngủ được vì tiếng cửa dập, tiếng gió hú như tiếng còi tàu nghe mà rợn tóc gáy…

Nghe nói, chủ nhân của ngôi biệt thự trước đây là một quan ba Pháp. Vị quan này ăn chơi trác táng. Một lần ông ta mời một vũ nữ trẻ đến hầu rượu và ép cô quan hệ khiến cô gái phải nhảy lầu tự tử. Kể từ đó, ngôi biệt thự bắt đầu khoác lên mình một truyền thuyết ma quái. Đến những năm đầu của thập niên 60 thế kỷ trước, một cô gái trẻ khác không hiểu vì lý do gì đã tìm đến đây thắt cổ tự tử cũng ở cái tuổi trăng tròn.

Bẵng đi một thời gian, người ta lại phát hiện ra hai cái xác khác nằm quắt queo trên tầng lầu của ngôi biệt thự. Chưa kể trên ngọn đồi phía sau ngôi biệt thự còn có mộ chôn 3 sinh linh bé nhỏ vừa chào đời bị bỏ rơi càng làm không gian thêm huyễn hoặc. Dường như còn những cái chết bí ẩn khác nhưng lâu rồi nên không mấy người nhớ nổi, khiến ngôi nhà ma này không chỉ nổi tiếng ở Đà Lạt mà còn cả miền Đông Nam Bộ.

...............................................................
bạn đang đọc truyện tại
http://cuongno1.jw.lt
chúc các bạn vui vẻ
....................................................................

Ngôi “nhà ma” và ông lão giữ nhà

Dọc theo đèo Prenn ngoằn ngoèo, nằm chênh chếch bên con đường quanh co khúc khuỷu dẫn lên Đà Lạt, ngôi biệt thự cổ kính quét vôi trắng vắt mình trên sườn đồi thông hun hút gió. Những người dân trong vùng kể rằng ngôi nhà này đã có niên đại hàng trăm năm. Một khoảng thời gian đủ dài để làm cho mọi cửa kính của ngôi nhà trở nên hoen ố, ngả vàng. Mỗi khi gió từ phía thung lũng lùa vào, các tấm kính lại rung lên bần bật như muốn tung ra. Chỉ riêng âm thanh khô khốc đó thôi cũng biến nơi này thêm đượm màu hoang phế.
“Tiếng tăm” lan xa

Tôi bần thần bước vào ngôi nhà. Vừa qua khỏi cánh cửa được ai đó đánh dấu chữ thập bằng phấn trắng, tôi như lạc ngay vào một thế giới khác, cách biệt hẳn với không gian bên ngoài. Không khí trì nặng. Một cảm giác bất an lập tức lùa vào trong tôi. Âm u lạnh lẽo đến rợn người. Tôi nghe rõ từng hơi thở và nhịp đập gấp của tim mình.

Cái chết đầu tiên mà người ta kể lại là của một phụ nữ người Thượng. Kế bên ngôi nhà có một cái giếng nhỏ sâu hun hút, dễ đến năm chục thước. Vào một ngày, đã lâu lắm rồi, người ta phát hiện một xác chết ở dưới giếng. Giếng đã khô nước, cái xác dựng đứng dưới đó không biết bao nhiêu ngày, da thịt đã bắt đầu rữa.


Cái giếng (nơi có truyền thuyết về cái chết của một cô gái) đã bị lấp và được xây am thờ

Khi đưa được tử thi lên miệng giếng người ta biết đó là một cô gái nhờ mái tóc dài xổ ra. Không ai biết tại sao lại có cái xác ấy trong lòng giếng, người ta cũng không điều tra được nguyên nhân của cái chết ấy. Điều duy nhất người ta có thể xác định được là người phụ nữ Thượng trước khi bị ném xuống giếng đã bị giết bằng dao.

Kể từ đó, ngôi nhà bắt đầu ẩn trong lòng nó một truyền thuyết ma quái. Những người chủ ngôi nhà chẳng bao lâu sau phải tự rời khỏi tổ ấm của họ. Nhiều năm trôi qua, chẳng ai dám bén mảng đến ngôi nhà. Cái tên “Ngôi nhà ma đầu đèo Prenn” có lẽ được truyền miệng từ khoảng thời gian ấy.

Đến những năm 1960 , vài đứa trẻ chăn bò dò dẫm vào ngôi nhà hoang kia đã phát hiện ra trên gác của ngôi nhà có hai xác chết quắt queo nằm cạnh nhau, tay trong tay. Người dân trong vùng lại ồn lên một lần nữa. Nghe nói cảnh sát đã vào cuộc điều tra nhưng chẳng tìm ra manh mối nào.

Có vẻ như đó là một vụ tự tử vì tình. Ngôi nhà hoang càng trở nên quái dị đến nỗi ngay cả cánh lái xe tải phớt đời nhất cũng không có gan dừng xe ở khu vực này. Cũng bởi thế, “tiếng tăm” của ngôi nhà càng lan xa.

Thời gian trôi qua, lại có một người con gái, không hiểu vì lý do buồn đời hay buồn tình, tìm đến ngôi nhà, thắt dây thừng vào cổ tìm đến cái chết… Sau đó, lời đồn về những cái chết bí ẩn khác tại ngôi nhà đầu đèo tiếp tục lan truyền với đủ thứ hình ảnh ma quái được thêu dệt.

Chuyện của người giữ nhà

Tôi đứng sững trong căn phòng lớn của ngôi nhà. Phòng trống hoác, mặt trước nhìn thẳng ra thung lũng, hai bên có mấy cánh cửa nhỏ đóng chặt. Trong không khí có một cái gì đó là lạ. Tôi như nín thở.

Bất chợt, phía sau lưng tôi có tiếng động nhẹ. Một cơn rùng mình chạy dọc sống lưng.

Quay đầu khó khăn, tôi điếng người khi nhìn thấy một hình nhân đang đứng bất động ngay cửa ra vào. Nhìn kỹ, hóa ra đó là một ông già gầy guộc và khá cao, khoảng 70 tuổi, cặp mắt soi mói chiếu thẳng vào tôi.

Tôi và ông lão cứ đứng sững như thế đến nửa phút. Rồi ông lão cất tiếng, giọng khàn khàn, hỏi tôi là ai. Khi nghe tôi giới thiệu, gương mặt ông lão mới giãn dần. Thì ra, ngôi nhà giờ thuộc sở hữu của một công ty chuyên về dịch vụ dầu khí của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và ông Minh - tên ông già - được công ty kia thuê để trông coi ngôi nhà nhiều năm nay.

Chúng tôi ngồi uống trà nóng bên một khung cửa sổ xộc xệch trong căn phòng phụ sát phòng lớn, nơi được ông Minh dùng làm bếp. Trời về chiều, không khí mỗi lúc càng lạnh hơn.

Mắt dõi lên đỉnh đồi trước mặt, ông Minh húng hắng kể bằng giọng Huế: “Có lần vào buổi đêm, tôi đang ngủ thì nghe như có tiếng ai kêu khóc. Ban đầu, tôi chỉ nghĩ đó là tiếng gió hú. Bỗng có tiếng gõ cửa. Một cô gái hiện ra ngoài cửa kính, thân hình tiều tụy, còn mặt thì thảng thốt đến nỗi tôi không biết đó là người hay là ma nữa. Cô gái khẩn khoản nhờ tôi đi cùng lên đỉnh đồi. Cô ta nói trong nước mắt nức nở khiến người khác không thể không mủi lòng.

Tuy chẳng biết sự thể gì nhưng nghĩ mình đã gần đất xa trời, sống nơi hiu quạnh, hắc ám này năm bảy năm nay thì cũng chẳng còn gì để phải sợ nữa. Thế là tôi theo cô ta lên đỉnh đồi phía sau nhà. Lên đến nơi, cô ta chỉ vào một nấm đất nhỏ nói rằng cô ta trót đẻ hoang, hài nhi đã chết và cô ta chôn đứa bé trên đỉnh đồi này. Cô ta muốn nhờ tôi chứng kiến cho đứa con đã mất của mình…”.

Một lần nữa, tôi nhìn kỹ ông lão giữ nhà, không biết có nên tin vào điều ông ta vừa kể không. Nhưng rõ ràng cái cảm giác lo lắng cứ bám riết lấy tôi.

Tôi cùng ông lão giữ nhà đi lên đỉnh đồi, nơi chôn cất hài nhi của người phụ nữ kia. Tôi rùng mình nhìn nấm đất nhỏ bé trước mặt, lòng đầy nghi hoặc. Thôi, cứ cho đó là truyền thuyết, lại một truyền thuyết nữa, về một cái chết khác liên quan đến ngôi nhà.

Tôi chỉ còn kịp tranh thủ chút ánh sáng còn lại của ngày để ghi lại vài tấm ảnh về nấm mồ không tên kia.

Một đêm thức cùng “nhà ma”

Mấy chục năm trước đây, ông Minh vốn không phải là một người nghèo. Khi đó ông có một đội xe đò chạy liên tỉnh. Nhưng rồi tài sản của ông lụn bại dần cho đến khánh kiệt. Giờ đây, ông trở thành người đặc biệt khi đơn độc trú ngụ trong một ngôi nhà hoàn toàn không bình thường chút nào.

Tôi ngồi im lặng quan sát ông, cứ tự hỏi vì sao ông lại có thể bình thản sống trong ngôi nhà đáng sợ này hàng chục năm trời nay. “Con người quan trọng nhất là ở cái tâm, có cái tâm rồi thì chẳng phải sợ gì ma quỷ nữa” – ông Minh cười ý nhị.

Rồi ông lụi cụi đi tưới hoa. Phía dưới đồi, ông có mấy liếp rau và su hào. Đó là cái rẫy của ông. Ở đây, ông sinh hoạt như người dân tộc, gần như tự cung tự cấp. Tài sản còn lại của ông hầu như chẳng đáng gì, bao gồm cả con chó nhỏ chạy lạc vào ngôi nhà này mà ông đang nuôi.

Cùng với con chó, hội họa, hay nói đơn giản hơn là một cách tập tành vẽ tranh – những bức tranh mực tàu mà ông chỉ có thể tặng chứ không bao giờ bán – đó là niềm vui sống duy nhất của ông. Còn tại sao chỉ vẽ bằng mực tàu thì thật dễ hiểu: Ông lão chỉ có chừng ấy tiền mà thôi.

Thế nhưng, đó lại là một con người tự trọng, vì đáng lẽ ra với không ít khách đến tham quan ngôi nhà ma đầu đèo này, ông đã có thể làm được chí ít cái động tác thu “vé vào cửa”. Vậy mà, ông lại không hề nhận tiền của ai, còn tận tình hướng dẫn khách lên lầu xuống gác.

Đêm trong ngôi nhà

Ngược hẳn với dự tính ban đầu, đêm đó tôi đã ngủ lại ngôi nhà đầu đèo. Ông Minh cười hóm hỉnh, hỏi tôi muốn ngủ phòng nào. Trước đó trong bữa ăn tối, tôi đã bốc lên nói rằng tôi muốn có đôi chút cảm xúc gì đó để có thể viết một truyện ngắn về ngôi nhà này.

Đã trót thì phải trét, nhưng vấn đề là phòng nào? Trong ngôi nhà này, căn phòng nào cũng đều có lịch sử ớn lạnh của nó. Nếu là phòng hướng Đông thì đã từng có một tay anh chị ở chợ Đà Lạt, không biết cá cược với chúng bạn thế nào, đến xin ông Minh cho ở ba đêm.

Nhưng chỉ đến đêm thứ hai, tay này mặt cắt không còn hột máu, nói như thét vào mặt ông lão giữ nhà là đã thấy một người đàn bà mặc đồ trắng, tóc tai rũ rượi cứ kéo chân hắn. Còn nếu là căn phòng mà cô gái treo cổ ở phía Tây thì càng đáng sợ hơn, vì vết sơn đỏ mà cơ quan chức năng làm dấu trên tường chỗ có buộc dây thòng lọng vẫn còn sờ sờ ra đó.


Thế là chỉ còn duy nhất căn phòng nằm chính giữa ở tầng trên.

Tai quái thay, căn phòng này lại có đến ba cửa. Cả ba cửa đều không có khóa, chưa kể cánh cửa ra vào luôn sẵn sàng bật tung mỗi khi có một cơn gió thốc tới. Suốt đêm đó, tôi không tài nào ngủ được, dù đã tự cố trấn an mình bằng mọi lý lẽ.

Đêm càng khuya, gió càng mạnh, quăng quật và lồng lộn. Tôi ngồi nép sát vào vách tường, cố làm sao để có thể quan sát đồng thời cả ba cánh cửa. Đến 1g sáng, tôi bắt đầu có ảo giác, mắt tôi bắt đầu nhìn thấy những ảo ảnh chập chờn ở phía sau những cánh cửa.

Có một thoáng, khi tôi vừa nhắm mắt lại, cánh cửa ra vào bỗng bật tung ra. Tôi điếng người, cảm thấy máu trong cơ thể mình đông cứng lại. Đến 5g sáng, không còn đủ sức chịu đựng nữa, tôi bật dậy như lò xo, lao xuống cầu thang. Vừa hết cầu thang, tôi suýt ngã nhào khi trông thấy một cái bóng dài ngoằng.

Trấn tĩnh lại mới nhận ra ông lão giữ nhà. Chẳng cần phải hỏi, chỉ nhìn mặt tôi, ông hiểu ra tất cả.

Đoạn kết về ông lão giữ nhà

Thời gian trôi qua, tôi không còn thấy ngôi nhà ma ấy đáng sợ nữa. Chỉ có điều, thỉnh thoảng nó vẫn làm trong tôi trào lên một cảm xúc khó tả, một thứ cảm giác cô quạnh của hình ảnh ông lão lọm cọm bước đi trên sườn đồi trong ráng chiều hôm.

Nhiều lần, người ta nghe nói đến những dự án cải tạo lại ngôi nhà để phục vụ vào việc kinh doanh du lịch, nghe đâu còn có cả một ý tưởng lớn lao hơn. Nhưng rồi, mọi thứ cứ lãng quên dần, chẳng biết có còn ai đoái hoài tới chúng hay không.

Chỉ biết một điều hiển nhiên là ngoài ông lão thân cô thế cô đang giữ nhà, thật sự không một ai khác có đủ can đảm để coi đó là chỗ ở, hay là chỗ vui chơi của mình.

Bẵng đi một thời gian, tôi không có dịp lên Đà Lạt nên không gặp lại ông lão giữ nhà. Thế rồi nhân lễ kỷ niệm 110 năm của thành phố sương mù, tôi lên Đà Lạt liền ghé lại ngôi nhà. Tôi nhìn thấy một ông già, nhỏ tuổi hơn ông Minh một chút, đang đứng trên cầu thang ngôi nhà.

Tôi vội hỏi thăm về ông lão giữ nhà thì được trả lời: “Ông ấy chết rồi”. Tôi bàng hoàng. Tôi xin phép vào phòng khách thắp nhang cho ông Minh. Chỉ có một lư hương nhỏ đặt trên cái bàn xiêu vẹo, ngoài ra chẳng còn gì khác. Lát sau thấy tôi với ông Minh có vẻ là chỗ thân tình, ông già giữ nhà mới nói nhỏ: “Nghe nói là ông ấy uống thuốc trừ sâu”.

Tôi bật hiểu. Việc ông lão giữ nhà bị con cái hắt hủi thì tôi đã từng nghe, chỉ có điều tôi không ngờ mọi chuyện lại kết thúc như thế này.

Những đợt gió lạnh từ phía thung lũng tràn thốc vào ngôi nhà. Tôi ngẩng lên nhìn người kế nhiệm ông Minh. Ông ấy tên là Mận. Lại một ông già nữa. Nhưng ông già này còn mới quá, hay chính xác hơn là còn trẻ quá so với bề dày thời gian của cái nơi mà ông đang coi giữ.

Thậm chí, hỏi chuyện mới hay ông ta còn không biết có một cái giếng đã bị lấp đi nằm bên hông của ngôi nhà, nơi có một cô gái bị giết....

Phần cuối



thích!!!
Gửi cho bạn bè:


« quay lại


Powered by Xtgem
© copyright by CườngNo1
U-ON CườngngNo1.jw.lt

Powered by XtGem.Com